Bạn đang ở đây

Quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng hiệu quả quản lý doanh nghiệp thẩm định giá

(HQ Online) - Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá, Bộ Tài chính đang tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện các cơ sở pháp lý về thẩm định giá.

Bộ Tài chính dự kiến đưa ra nhiều quy định để tăng hiệu quả công tác quản lý về thẩm định giá.	 Ảnh: ST
Bộ Tài chính dự kiến đưa ra nhiều quy định để tăng hiệu quả công tác quản lý về thẩm định giá. Ảnh: ST

Chặt chẽ về hồ sơ đăng ký hành nghề

Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024 đã đưa ra nhiều yêu cầu cho Chính phủ phải xây dựng các quy định chi tiết về thẩm định giá, bao gồm: trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Vì thế, Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về thẩm định giá gồm 3 chương, 11 điều và cơ quan này hiện đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo.

Trong đó, về danh mục hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá, dự thảo Nghị định đã xây dựng danh mục trên cơ sở kế thừa và củng cố quy định hiện hành tại Thông tư số 60/2021/TT-BTC ngày 21/7/2021 của Bộ Tài chính, bảo đảm phù hợp với điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá tại khoản 1 Điều 45 của Luật Giá. Hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá bao gồm: đơn đăng ký hành nghề thẩm định giá tại DN theo mẫu; bản sao xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo lĩnh vực chuyên môn còn hiệu lực tại thời điểm đăng ký hành nghề hoặc bản gốc văn bản có giá trị thay thế xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy định trừ trường hợp thẻ thẩm định viên về giá được cấp dưới 1 năm tính đến thời điểm đăng ký hành nghề.

Ngoài ra còn có phiếu lý lịch tư pháp số 02 do cơ quan có thẩm quyền cấp không quá 6 tháng tính đến thời điểm đăng ký hành nghề; bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp gần nhất; giấy xác nhận thời gian thực tế làm việc tại DN thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá theo mẫu quy định hoặc bản sao chứng thực sổ bảo hiểm xã hội…

Theo Bộ Tài chính, việc quy định danh mục hồ sơ phải bao gồm Phiếu lý lịch tư pháp số 02 do cơ quan có thẩm quyền cấp không quá 06 tháng tính đến thời điểm đăng ký hành nghề nhằm rà soát các đối tượng không được phép hành nghề thẩm định giá quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật Giá.

Đảm bảo tính răn đe

Về trình tự đăng ký hành nghề thẩm định giá, dự thảo cũng đã đưa ra quy định cụ thể và chi tiết. Trong đó đáng chú ý là quy định người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá với Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá có văn bản kèm theo 01 bộ hồ sơ đăng ký hành nghề theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này của từng người có thẻ thẩm định viên về giá gửi đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).

Bộ Tài chính cho rằng, quy định này nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật Giá. Đồng thời, việc quy định Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) xem xét, thông báo là thẩm định viên về giá trong danh sách thẩm định viên về giá được điều chỉnh hằng tháng đối với hồ sơ đăng ký hành nghề được doanh nghiệp thẩm định giá gửi đến Bộ Tài chính trước ngày 15 của tháng đó theo dấu công văn đến bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giá cũng như phù hợp với chủ trương phân cấp giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ cho các đơn vị thuộc Bộ.

Ngoài các nội dung này, dự thảo còn quy định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; quy định về trách nhiệm nộp phí khi đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…

Cùng với những quy định nêu trên, Bộ Tài chính còn đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá. Trong đó đã dành một chương riêng để đưa ra những quy định chi tiết về xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá. Theo Bộ Tài chính, các quy định xử phạt cần phải sửa đổi, hoàn thiện theo hệ thống Luật Giá cho phù hợp, trong đó một số hành vi cần điều chỉnh mức phạt còn thấp để đảm bảo tính răn đe.

Liên quan đến những vi phạm trong hành nghề thẩm định giá, dự thảo đã bổ sung một số quy định liên quan đến nhóm hành vi vi phạm quy định kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá sau 15 ngày kể từ ngày thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ thẩm định giá khi không được phép theo quy định của pháp luật về thẩm định giá; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi xây dựng quy định nhưng không thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá để phát hành và cung cấp chứng thư thẩm định giá cho khách hàng thẩm định giá; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá để phát hành và cung cấp chứng thư thẩm định giá cho khách hàng thẩm định giá…

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định xử phạt liên quan đến các hành vi trong các nhóm hành vi, đơn cử như nhóm hành nghề thẩm định giá bao gồm: hành vi không giải trình báo cáo thẩm định giá do mình thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật, hành vi không thực hiện đúng hướng dẫn về khảo sát thực tế, thu thập thông tin phục vụ cho quá trình thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, không thực hiện đúng cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, không áp dụng đủ các phương pháp thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

Theo Minh Chi (haiquanonline.com.vn)