Bạn đang ở đây

Quyết tâm, đồng lòng cùng vào cuộc với ngành Tài chính

Ngày 11/1/2021

Qua thực tế triển khai cho thấy, sở dĩ ngành Tài chính đạt được kết quả xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020, là nhờ có sự quyết tâm, đồng lòng, cùng vào cuộc với ngành Tài chính của cấp ủy, chính quyền địa phương.

* Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh:

Bù đắp hụt thu cho tỉnh khi giá dầu sụt giảm mạnh

 Ông Đặng Văn Minh

 Ông Đặng Văn Minh

Theo ông Đặng Văn Minh, tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp bị hụt thu nên đến thời điểm này rất khó khăn. Năm 2020, Trung ương giao cho Quảng Ngãi thu là hơn 13 nghìn tỷ đồng, thu từ lọc dầu là hơn 6 nghìn tỷ đồng, hụt 3,258  nghìn tỷ đồng.

Tính chung cả 2 năm 2019 - 2020, Quảng Ngãi hụt thu từ dầu là hơn 5 nghìn tỷ đồng. Do đó, theo ông Đặng Văn Minh, trong xây dựng dự toán năm 2021 “cân đối ngân sách là hết sức khó khăn, nếu Trung ương không tăng bổ sung kịp thời thì chúng tôi rất khó khăn do giá dầu hụt”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, là tỉnh điều tiết về ngân sách Trung ương, nhưng tỉnh có 5 huyện nghèo và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Do đó, Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, hỗ trợ bù hụt thu năm 2020 là 1,147 nghìn tỷ đồng do giá dầu giảm.

Năm 2021, tỉnh phấn đấu thu đạt và vượt dự toán, để bù đắp hụt thu 2 năm trước đó. Trong điều hành chính sách tài chính - ngân sách, tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN, giảm bớt những khó khăn mà tỉnh hiện nay đang phải đối mặt.

* Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường:

Thu ngân sách vượt dự toán, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

 Ông Trịnh Xuân Trường

 Ông Trịnh Xuân Trường

Theo ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, năm 2020 GRDP của tỉnh đạt 6,55%, đứng thứ 3 toàn quốc. Cùng với đó, số thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 9.089 tỷ đồng, vượt dự toán đề ra.

“Kết quả này có được do Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo bộ, ban ngành trung ương, trong đó có sự chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính. Lào Cai cũng luôn chủ động báo cáo tình hình thực hiện năm 2020, đồng thời linh hoạt, sáng tạo công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ luôn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu" - ông Trịnh Xuân Trường cho hay.

Những năm qua, Lào Cai đã thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã huy động được 170 nghìn tỷ đồng, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, do đó, Lào Cai đã đặt ra 10 giải pháp và 3 yếu tố chính để đổi mới, vươn lên, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN đề ra.

* Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải:

Hà Nội thu vượt dự toán, đóng góp vào thành công chung

  Ông Hà Minh Hải

 Ông Hà Minh Hải

Theo ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp, thu ngân sách trên địa bàn thành phố năm 2020 đạt 102,8% dự toán, đóng góp vào thành công chung của ngành Tài chính.

Đối với nhiệm vụ tài chính - ngân sách, theo ông Hà Minh Hải, ngay từ đầu năm thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Thành phố đã xây dựng, cập nhật thường xuyên kịch bản thu, chi NSNN tương ứng với thực tế cũng như những dự đoán về diễn biến đại dịch Covid-19 làm cơ sở xây dựng kịch bản khai thác tăng thu, điều hành chi ngân sách để đảm bảo cân đối ngân sách. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đôn đốc thu ngân sách do lãnh đạo thành phố làm tổ trưởng, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thu, hỗ trợ doanh nghiệp, đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng.

Ngoài ra, Hà Nội đã thực hiện tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Nghiêm túc thực hiện tiết kiệm, cắt giảm dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, ngân sách các cấp cắt giảm 3.600 tỷ đồng. Đồng thời, bố trí kịp thời kinh phí cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 730,4 tỷ đồng; hỗ trợ 476,3 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Là địa phương lớn, việc hoàn thành số thu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đóng góp vào thành công chung của ngành Tài chính, thu NSNN trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2020 đạt 286.561 tỷ đồng, đạt 102,8% dự toán. Trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 18.710 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán; thu nội địa (không kể thu từ dầu thô): 265.762 tỷ đồng, đạt 102,9% dự toán.

Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Tài chính: xây dựng phương án điều hành đảm bảo cân đối ngân sách, tổ chức chi theo dự toán và khả năng thu ngân sách. Đồng thời, thành phố chỉ đạo kịp thời các quận, huyện đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm, chủ động xây dựng phương án điều hành, rà soát các nguồn lực bù đắp giảm thu để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Về triển khai dự toán ngân sách năm 2021 và một số giải pháp hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2021, ông Hà Minh Hải cho biết, thành phố Hà Nội thực hiện năm chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, xây dựng 23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%.

Để đạt các mục tiêu về tài chính – NSNN được giao, theo vị Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Đồng thời, điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đúng quy định, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững cân đối ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao...

* Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng:

Chủ động cân đối thu - chi trong khó khăn

  Bà Phan Thị Thắng

 Bà Phan Thị Thắng

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020 thành phố đã đảm bảo được mục tiêu "kép" vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đời sống của nhân dân. Trong đó, các biện pháp linh hoạt của thành phố đã giúp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách trên địa bàn.

“Về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, năm 2020 thành phố đã quyết tâm không để tăng trưởng âm với chỉ số GDP tăng 1,39%. Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước đạt 91,5% dự toán. Trong đó thu nội địa đạt 91,2% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 92,3% dự toán. Mặc dù trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp làm số thu sụt giảm so với dự toán nhưng thành phố đã bám sát dự toán, chủ động cân đối nguồn thu để đảm bảo các khoản chi trong dự toán, các khoản chi hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, bảo trợ xã hội..." - bà Phan Thị Thắng cho biết.

Năm 2021 thành phố sẽ tăng cường quản lý, khai thác các nguồn thu, tiếp tục quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song song với đó là tăng cường kiểm soát chi nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công. Đặc biệt là bố trí kế hoạch chi trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, tăng cường đôn đốc các đơn vị thực hiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

* Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu:

Ấn tượng với kết quả xây dựng thể chế của Bộ Tài chính

 Ông Phan Chí Hiếu

 Ông Phan Chí Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá trong năm 2020, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính đã triển khai đồng bộ toàn diện các mặt công tác, bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và đạt nhiều thành tích nổi bật.

“Cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng với công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không phải là bộ chuyên về xây dựng pháp luật, nhưng trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ, Bộ Tài chính đã xây dựng, ban hành theo thẩm quyền, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, là một trong những bộ ban hành và trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ.  

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong năm 2020, hoạt động xây dựng văn bản pháp luật của Bộ Tài chính tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh, cũng như đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch bệnh, thiên tai lũ lụt. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế cũng tập trung mạnh vào đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp với kết quả ấn tượng.

Cùng với đó, chất lượng, tiến độ xây dựng hoàn thiện văn bản pháp luật ngày càng được đảm bảo. Đơn cử, năm qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 122 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chưa phát hiện vi phạm, “đây là nỗ lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh chất lượng xây dựng thể chế của chúng ta còn nhiều vấn đề phải bàn”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, công tác rà soát hệ thống hoá, pháp điển hoá quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính cũng rất được quan tâm. Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã triển khai rất tốt các nội dung của Quyết định 209 của Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ. Đặc biệt, trong khuôn khổ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện, đề xuất, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, Bộ Tài chính với vai trò trưởng một nhóm rà soát đã làm nghiêm túc, đạt kết quả cụ thể, góp phần giúp Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo chất lượng của Chính phủ trình Quốc hội, được đại biểu Quốc hội đánh giá tích cực. “Là bộ ban hành rất nhiều văn bản pháp luật dưới luật, nếu coi nhẹ công tác này thì trong thực tế sẽ hết sức lúng túng”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nói.

* Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn:

Ngành Thuế phấn đấu thu vượt 5% so với dự toán

 Ông Cao Anh Tuấn

 Ông Cao Anh Tuấn

Tham luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Tài chính, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp để phấn đấu thu vượt 5% so với dự toán, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao.

“Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đã vượt 2% (tương đương 24,4 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Đặc biệt là đã tăng 175,9 nghìn tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. Có 56/63 địa phương hoàn thành dự toán thu nội địa; thu thuế, phí” - ông Cao Anh Tuấn đưa thông tin vui đến hội nghị.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, vẫn còn 7 địa phương không hoàn thành dự toán, nhưng cũng đã nỗ lực phấn đấu tăng thu để thực hiện cao nhất nhiệm vụ thu năm 2020. Đơn cử như đối với 3 địa phương (Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình), tại thời điểm báo cáo Quốc hội, ngành Thuế đánh giá chỉ đạt khoảng 80 - 83% dự toán, đến nay các địa phương này đã đạt từ 90 - 95%. 7 địa phương này đã tăng thu được 38,1 nghìn tỷ đồng so với ước thu đã báo cáo Quốc hội.

Chia sẻ thêm thông tin đến với hội nghị, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, sở dĩ ngành Thuế đạt được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương; ngành thuế vừa triển khai nhiều giải pháp tăng thu, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng ngành Thuế cũng đã tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế đúng hạn. Theo đó, cơ quan thuế đã tổ chức theo dõi, quản lý số thuế, tiền thuê đất được gia hạn để đôn đốc các doanh nghiệp nộp đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách khi hết thời gian gia hạn. Trong đó, riêng quý IV/2020, các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 47.000 tỷ đồng.

Theo ông Cao Anh Tuấn, bên cạnh việc tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân, cơ quan thuế các cấp đã tập trung triển khai công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng. Kết quả, năm 2020, cơ quan thuế đã kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra khoảng 72 nghìn tỷ đồng, (trong đó, tăng thu vào ngân sách 20 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 50 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 2 nghìn tỷ đồng). Năm 2020 đã thu hồi được khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2019 chuyển sang, theo đó, tổng số tiền nợ thuế đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019...

Đối với triển khai nhiệm vụ năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp để phấn đấu thu vượt 5% so với dự toán pháp lệnh theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính. Để đạt được các nhiệm vụ đề ra, ngành Thuế sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, như: tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; tập trung hoàn thành xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục tổ chức bộ máy cơ quan thuế theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

* Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng:

Hoàn thành dự toán trong tháng nước rút

 Ông Nguyễn Văn Hồng

 Ông Nguyễn Văn Hồng

Từ điểm cầu TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, ngay từ đầu năm 2020, thành phố đã triển khai quyết liệt các nghị quyết của Chính phủ.

“Đến cuối tháng 11/2020, thành phố cũng chưa dám khẳng định hoàn thành số dự toán thu ngân sách cả năm, nhưng đến thời điểm hiện nay thu ngân sách đã đạt 11.944 tỷ đồng, đạt hơn 102%” - ông Nguyễn Văn Hồng cho hay.

Bên cạnh các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, tỉnh cũng đã thực hiện chi theo quy định của Luật NSNN và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi. Theo đó, thành phố đã chi đạt hơn 100%, tập trung cho chi đầu tư phát triển, chi xây dựng cơ bản. Tính đến cuối tháng 12/2020, chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt gần 80%, ước hết tháng 1/2021 đạt 87%, trong đó, nguồn của Trung ương giao đã được chú trọng giải ngân, đạt khoảng 96% dự toán.

Năm 2021, xác định còn nhiều khó khăn song Cần Thơ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, ban hành các chỉ thị, nghị quyết để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách trên địa bàn.

Theo Thời báo Tài chính